Những điều cần biết về Giác mạc hình chóp
1. Giác mạc hình chóp là gì?
Giác mạc hình chóp là bệnh lý xuất hiện do các liên kết giữa các sợi collagen trong nhu mô giác mạc không bền vững, làm thay đổi bán kính cong của giác mạc một cách bất thường, tiến triển theo thời gian, làm độ cận, loạn thị tăng nhanh. Hậu quả có thể gây ra giãn, lồi giác mạc và giảm thị lực, không hồi phục kể cả khi chỉnh kính.
2. Điều trị giác mạc hình chóp như thế nào?
Người bệnh cần được thăm khám bởi các bác sĩ Nhãn khoa để có được chẩn đoán chính xác và đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp.
- Dùng kính gọng hoặc kính áp tròng mềm: Bệnh nhân mắc bệnh giác mạc hình chóp ở giai đoạn sớm, khi loạn thị giác mạc chưa nhiều thì có thể điều chỉnh bằng kính giống như tật khúc xạ thông thường.
- Dùng kính áp tròng cứng: Ở giai đoạn nặng hơn, giác mạc bị biến đổi, gồ ghề không đều (loạn thị không đều) nhưng còn trong suốt, kính gọng hay kính tiếp xúc mềm lúc này không có tác dụng. Việc sử dụng kính tiếp xúc cứng sẽ giúp cải thiện thị lực cho bệnh nhân. Tùy vào mức độ, hình thái cụ thể mà bác sĩ có thể kê kính thiết kế với các thông số thay đổi khác nhau, có những thiết kế kính phối hợp cả kính tiếp xúc cứng và mềm để bệnh nhân đạt thị lực tốt nhất.
- Cross-linking là phẫu thuật duy nhất có thể làm chậm tiến triển giác mạc chóp. Bác sĩ sử dụng vitamin B2 nhỏ lên giác mạc và chiếu tia cực tím để làm tăng độ chắc của giác mạc.
- Khi bệnh ở giai đoạn muộn, bệnh nhân cần được phẫu thuật đặt vòng trong nhu mô giác mạc để nhìn rõ hơn, hoặc phải ghép giác mạc một phần hoặc toàn bộ giác mạc mới có thể phục hồi thị lực.
Bệnh nhân có bệnh giác mạc hình chóp cần khám mắt định kỳ để theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng, thay đổi các thông số kính nếu cần thiết. Những bệnh nhân dùng kính tiếp xúc cần tuân thủ cách hướng dẫn, vệ sinh và bảo quản kính để an toàn cho mắt, tránh những biến chứng có thể gặp phải trong quá trình sử dụng kính.